Chu kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra ở phụ nữ. Nhưng không phải ai cũng có kiến thức đúng đắn về vấn đề này. Chính vì những suy nghĩ sai lầm về ngày đèn đỏ đã khiến không ít phụ nữ cảm thấy lo lắng và có cách xử lý không đúng khi đến kỳ nguyệt san.
Các kiến thức về chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp bạn hiểu hơn về cơ thể mình, từ đó có cách chăm sóc bản thân đúng cách hơn. Sau đây là một số suy nghĩ sai lầm về chu kỳ kinh nguyệt mà đa số phụ nữ đều gặp phải.
Chu kỳ kinh nguyệt luôn cố định
Nhiều bạn cho rằng chu kỳ kinh nguyệt sẽ có số ngày nhất định là 28 hoặc 30 ngày, không tăng không giảm, nếu có sự chênh lệch nào về thời gian thì là điều bất thường. Tuy nhiên suy nghĩ này không hoàn toàn đúng. Vì kinh nguyệt bình thường sẽ có chu kỳ từ 28-30 ngày, một chu kỳ ngắn lặp lại đều đặn sau 21 ngày hoặc từ 32-35 ngày cũng được xem là bình thường. Do đó nếu vòng kinh của bạn nằm trong khoảng này thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm. Ngược lại nếu vòng kinh chênh lệch quá nhiều thì có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó.
Chu kỳ kinh nguyệt bị trễ vài ngày là dấu hiệu bất thường
Đây có thể là một sự ngộ nhận. Bởi vì, nếu bạn có một chu kỳ bình thường, nhưng đôi khi bị trễ một vài ngày có thể là do cách ăn uống, sinh hoạt, học tập và làm việc không hợp lý. Hoặc trong tháng đó bạn phải chịu nhiều áp lực, tinh thần căng thẳng, cơ thể nhạy cảm khi thay đổi một môi trường sống mới,…Mặc dù không có gì đáng lo ngại, nhưng nếu bạn bị trễ kinh từ 10 ngày trở lên thì cần theo dõi các chu kỳ tiếp theo và thăm khám bác sĩ khi cần thiết.
Âm hộ tiết ra dịch màu nâu trước khi hành kinh 1-2 ngày là đều bất thường
Rất nhiều chị em thường xuyên gặp phải trường hợp này và biết rằng đây hoàn toàn là một hiện tượng bình thường. Tình trạng ra máu màu nâu hoặc có màu đỏ sẫm trước khi hành kinh có thể là do máu kinh từ tháng trước còn sót lại trong tử cung và được đào thải trong chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Đây là một hiện tượng sinh lý hoàn toàn tự nhiên và không gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên và không rơi vào thời gian rụng trứng hoặc trước khi hành kinh thì cần lưu ý. Đó có thể là dấu hiệu của các căn bệnh về phụ khoa.

Máu kinh bị vón cục là bệnh phụ khoa
Trong thời gian hành kinh, lớp niêm mạc tử cung bị bong tróc sẽ hòa lẫn trong máu, mô và chất nhầy. Lúc này cơ thể sẽ giải phóng chất chống đông máu làm máu loãng ra, giúp máu dễ dàng lưu thông và chảy ra bên ngoài.
Trường hợp máu kinh chảy ra nhiều sẽ khiến khả năng sản xuất chất chống đông máu của cơ thể không thể đáp ứng kịp thời, vì vậy sẽ xuất hiện máu kinh vón cục, thường xảy ra vào ngày có lượng máu kinh nhiều và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tuy nhiên nếu cục máu đông có kích thước lớn và xảy ra thường xuyên có thể là dấu hiệu của một bệnh lý phụ khoa. Vì vậy bạn cần biết cách phân biệt máu vón cục bình thường và bất thường để có cách xử lý phù hợp.

Quan hệ trong chu kỳ kinh nguyệt không thể có thai
Về cơ bản, khi hành kinh tức là đã qua thời gian rụng trứng, vì vậy mà đại đa số phụ nữ nghĩ rằng quan hệ trong khi hành khi hoàn toàn không có khả năng mang thai. Nhưng điều này chỉ đúng đối với chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Có nhiều trường hợp phụ nữ có vòng kinh không đều, trứng rụng không đúng ngày và có thể sẽ rụng sau 3 ngày khi sạch kinh. Quá trình thụ tinh vẫn diễn ra bình thường nếu quan hệ vào ngày hành kinh vì tinh trùng có thể sống từ 3 đến 5 ngày trong cơ thể phụ nữ.
Không nên tập thể dục trong kỳ kinh nguyệt
Khi đến kỳ kinh nguyệt, cảm giác đau bụng kinh, mệt mỏi, đau lưng, bụng đầy hơi khiến bạn không còn tâm trí và sức lực nghĩ đến việc tập thể dục. Tuy nhiên, thói quen tập thể dục trong ngày đèn đỏ sẽ giúp bạn giảm đáng kể cảm giác khó chịu. Bạn nên chọn những bài tập nhẹ nhàng như yoga, trồng cây chuối hoặc đi bộ, nó sẽ làm giảm đau bụng kinh, cải thiện tâm trạng và tăng lưu thông máu.
Phụ nữ phải sống chung với chu kỳ kinh nguyệt cho đến khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Vì vậy bạn nên cập nhật kiến thức về ngày đèn đỏ để hiểu đúng, từ đó có cách xử lý phù hợp và sống khỏe hơn mỗi ngày bạn nhé!